1. Đền Ngư Uyên, xã Long Xuyên Đền Ngư Uyên xây dựng vào thế kỷ 15, thời Lê Vĩnh Trị (1677) thờ 7 vị danh tướng cùng là anh em ruột của gia đình họ Phạm (có 1 người là nữ), đã có công giúp vua Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh. Với những công trạng hiển hách, khi 7 anh em họ Phạm mất, vua Lê Thái Tổ đã ban sắc phong cho 7 vị danh tướng và cấp tiền xây dựng đền thờ ở thôn Ngư Uyên. Đền Ngư Uyên, xã Long Xuyên Đền Ngư Uyên được xây dựng trên khu đất cao ráo gần đầm Ngư, bên sông Kinh Môn. Đền có mặt bằng hình chữ đinh (J) gồm 5 gian tiền tế. Ngôi đền khá lớn, có nhiều hoa văn, hình vật trạm trổ rất đẹp. Phía sau là hậu cung 3 gian nối với tiền tế. Trong hậu cung đặt tượng Phạm Luận. Cạnh di tích đền ở hai phía trước và sau có 2 ngôi miếu thờ 2 người em là Phạm Thọ và Phạm Thành. Còn 4 ngôi miếu khác thờ các em thứ 4, 5, 6, 7 xây rải rác ở trong và ven làng. Có miếu đã mất nhưng nay đã được xây lại. Đền Ngư Uyên cho đến nay còn giữ được một số cổ vật. Đó là bia Thần Phả cùng 3 tấm bia khác. Tượng Phạm Luận, tượng Phạm Nương đều từ thời Nguyễn. Tượng Phạm Thành, hương án gỗ thời Lê, khám thờ, ngai thờ, cửa võng. Đền Ngư Uyên được công nhận di tích cấp Quốc gia ngày 02/3/1990. 2. Đình Huề Trì, xã An Phụ Đình Huề Trì nguyên được khởi dựng từ thời Lý (Thế kỷ XI). Đình Huề Trì là nơi thờ Thành hoàng có tên là Thiện Nhân, Thiện Khánh - hai nữ tướng thời Hai Bà Trưng năm 40 - 43. Vào cuối thế kỷ XIII, Trần Quang Khải đã đóng đại bản doanh ở đây, chiêu mộ quân kỹ, chặn đánh quân Nguyên Mông theo dòng sông Bạch Đằng. Đình Huề Trì, xã An Phụ Đình Huề Trì nằm ở giữa làng. Khởi đầu, đình làm bằng gỗ, lợp tranh. Đến thời Lê Trung Hưng mới được xây dựng lớn như ngày nay. Đình có hai dãy: Tiền tế và hậu cung làm song song theo kiểu chữ nhị (=). Giữa hai dãy là sân trời, hai dãy nhà được nối bằng bờ tường xây tạo cho đình có quy mô khép kín. Đây là ngôi đình có diện tích 624m2 lớn nhất tỉnh Hải Dương. Mặc dù nhiều lần trùng tu nhưng đình vẫn giữ được dáng xưa. Kiến trúc mới tòa 5 gian, 4 mái. Hè ghép bằng đá xanh. Đến nay đình Huề Trì còn giữ được 100 cổ vật. Lễ hội đình Huề Trì thường tổ chức lớn vào thời gian từ mồng 10 tháng 3 âm lịch. Lễ hội trong 3 hoặc 7 ngày tùy theo từng năm nhưng mồng 10 tháng 3 là ngày lễ chính. Trong thời gian lễ hội có tục lệ độc đáo, đó là rước kiệu Hai bà từ đình đến Nghè Mực (khoảng 800m). Đình Huề Trì được công nhận di tích cấp Quốc gia ngày 13/3/1974. 3. Chùa Huề Trì, xã An PhụChùa Huề Trì có tên tự là Duyên Tràng Tự, là trung tâm sinh hoạt tôn giáo của thôn Huề Trì, xã An Phụ. Chùa thờ Phật theo thiền phái Đại Thừa. Di tích chùa Huề Trì không chỉ là nơi thờ Phật, những năm gần đây, nhân dân địa phương còn tôn thờ Thiện Nhân, Thiện Khánh, hai nữ tướng của Hai Bà Trưng. Chùa Huề Trì đã được nhân dân địa phương khởi dựng từ khá sớm, được trùng tu, tu sửa vào các năm Tự Đức năm thứ 23 (1870), Hàm Nghi nguyên niên (1885), Thành Thái nguyên niên (1889), Khải Định Ất Sửu (1925). Chùa Huề Trì, xã An Phụ Trước đây, chùa có quy mô kiến trúc kiểu “nội Công ngoại Quốc”, bao gồm 7 gian tiền đường, 1 gian cổ dài, 2 gian ống muống, 3 gian hậu cung, hai dãy hành lang phía Nam (7 gian) và phía Bắc (12 gian). Hiện nay, các công trình cũ cơ bản chỉ còn kiến trúc kiểu chữ Công (I), bao gồm 7 gian tiền đường, 1 gian cổ 3 gian ống muống, 3 gian hậu cung và 5 gian hành lang phía Nam. Trong những năm gần đây, nhân dân đã khôi phục lại 5 gian hành lang phía Bắc và 2 gian nối vào 5 gian hành lang phía Nam. Giá trị nghệ thuật của di tích không chỉ ở công trình kiến trúc, mà còn thể hiện ở hệ thống tượng thờ. Tượng chùa Huề Trì được bài trí trong hậu cung, ống muống và tiền đường, hiện nay tại chùa có tới 7 lớp tượng, các pho tượng đều là những tác phẩm nghệ thuật có giá trị. Chùa Huề Trì được công nhận di tích cấp Quốc gia ngày 25/5/2017. 4. Đình, Chùa Khuê Bích, xã Thượng QuậnĐình, Chùa Khuê Bích thờ 2 vị tướng đời Trần là Nguyễn Thiện và Lê Quang quê ở huyện Chí Linh. Vào thế kỷ XIII, quân Nguyên - Mông xâm lước nước ta. Nhà Trần cùng nhân dân cả nước đã tiến hành 3 lần kháng chiến chống lại chúng. Được nhà vua giao cho 3 vạn quân chặn giặc trên sông Bạch Đằng, Nguyễn Thiện và Lê Quang đã hoàn thành nhiệm vụ và được vua Trần phong nhiều chức vụ quan trọng. Khi hai ông qua đời được tôn vinh làm Thành Hoàng làng. Ngoài ra đình còn thờ bà Quế Anh, vợ của tướng Lê Quang, người có công giúp chồng đánh giặc. Đình Khuê Bích, xã Thượng Quận Cách đình 50m về phía bắc là chùa Khuê Bích có tên chữ là “Diên Thọ Tự” được xây dựng theo truyền thống “tiền thần, hậu phật” phổ biến của người Việt. Chùa Diên Thọ được trùng tu vào đầu thời Nguyễn nhưng còn giữ được một số cổ vật thời Lê như bốn pho tượng đá, một số bát hương phù lãng. Các cổ vật còn lại đều vào thời Nguyễn: mười bốn pho tượng bao gồm tam thế: A di đà, Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, Cửu Long… Ngoài ra còn các câu đối, đại tự cũng vào thời Nguyễn có nội dung ca ngợi Phật và phong cảnh nơi đây. Chùa Khuê Bích, xã Thượng Quận Đình, Chùa Khuê Bích được công nhận di tích cấp Quốc gia ngày 20/7/1994. 5. Đình Lâu Động, xã Phúc Thành Đình Lâu Động được nhân dân địa phương xây dựng để tôn thờ Thành hoàng làng là Phạm Ân, người từng có công giúp vua Lê Đại Hành đánh giặc Chiêm Thành vào thế kỷ 10, đem lại thái bình cho đất nước. Đình Lâu Động không chỉ là nơi tôn thờ Thành hoàng làng, mà nơi đây, trong kháng chiến chống Pháp đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương, nơi ghi dấu ấn những tội ác của giặc. Đình Lâu Động, xã Phúc Thành Theo tiết lệ, đình Lâu Động có 2 kỳ lễ hội trong 1 năm, đó là Lễ hội ngày 10 tháng 3 là lễ kỷ niệm ngày mất của Thành hoàng làng; Lễ hội ngày 14 tháng 8 là lễ hội kỷ niệm ngày sinh. Trong hai kỳ lễ hội đó, lễ hội mùa xuân là lễ hội lớn nhất trong năm. Đình Lâu Động có kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm 5 gian Đại bái và 3 gian Hậu cung. Đình được khởi dựng từ thời Lê, công trình hiện nay được trùng tu vào ngày 1 tháng 3 năm Đinh Mùi - niên hiệu Thành Thái 19 (1907). Đình Lâu Động được công nhận là tích cấp Quốc gia ngày 18/12/2009. 6. Đình Phương Quất, xã Lạc Long Đình Phương Quất tôn thờ Trần Thuý Hồng - một nữ tướng có công giúp nhà Trần đánh giặc Nguyên Mông ở thế kỷ XIII. Sau khi giành được độc lập tháng 8 năm 1945, đình Phương Quất là trụ sở Ủy ban lâm thời của xã. Trong kháng chiến chống Pháp, đình là nơi đóng quân của Vệ quốc quân, đồng thời là cơ sở hoạt động của cán bộ Cách mạng ở địa phương. Hàng năm, đình Phương Quất có 1 kỳ lễ hội: Vào ngày mùng 1 tháng Tư (âm lịch). Đình Phương Quất, xã Lạc Long Dưới thời phong kiến, lễ hội mùng 1 tháng Tư là ngày mất của Thành Hoàng làng Trần Thuý Hồng, lễ hội này có quy mô lớn, kéo dài từ 4, 5 ngày. Đình Phương Quất được khởi dựng vào thời Hậu Lê, kiến trúc kiểu chữ Nhị (=) gồm 5 gian Đại bái và 3 gian Hậu cung; đình quay hướng Tây. Sang đầu thế kỷ 20, vào năm Khải Định nhị niên (1917) đình Phương Quất được trùng tu lớn và quay theo hướng Nam. Hiện nay, di tích có kiến trúc kiểu chữ Đinh (J) gồm 5 gian Đại bái và 2 gian Hậu cung. Đình Phương Quất được công nhận di tích cấp Quốc gia ngày 18/6/2007. 7. Đình Đồng Quan, xã Quang Trung  Đình Đồng Quan, xã Quang Trung Đình Đồng Quan được xây dựng vào thời nhà Lê (thế kỷ XVII), thờ 4 vị nhân thần là Thiên Ân đại tướng quân có công giúp vua Lý đánh giặc, và ba anh em họ Phả húy là Lượng, Hồng, Chí. Đình Đồng Quan được xây dựng vào thời nhà Lê (thế kỷ XVII) và đã qua 7 lần trùng tu. Đình đã được Bộ Văn hóa - Thông tin ra Quyết định công nhận di tích lịch sử và văn hóa cấp Quốc gia ngày 26/02/1999. 8. Đình Xạ Sơn, xã Quang Trung Ngôi đình của làng Xạ Sơn, xã Quang Trung, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, còn gọi là đình Cả. Đình thờ 5 vị thành hoàng là Đô Lỗ, Đào Thành, Phạm Minh, Nguyễn Thiết, Vũ Oai, có công đánh giặc Ai Lao thời Tiền Lê và thời Lý. Đình được xây dựng thế XVII, trùng tu vào thời Nguyễn. Ngôi đình hiện nay có bố cục kiểu chữ # - Đinh, bao gồm 5 gian Tiền tế, 2 gian hậu cung, nghệ thuật trang trí mang phong cách thời Lê. Cổ vật còn khá nhiều, trong đó có 12 đạo sắc, 2 chuông đồng, 4 đòn bát cống. Đình Xạ Sơn, xã Quang Trung Lễ hội Đình Xạ Sơn xưa rất sầm uất và thường kéo dài ít nhất là 3 ngày. Lễ hội chính vào 25, 26 tháng giêng. Trong lễ hội có rước Thánh, hát chèo và nhiều trò chơi, đặc biệt là bơi chải. Hiện tại, đình Xạ Sơn còn giữ được nhiều cổ vật có giá trị: 4 bia đá, 59 đồ tế tự bằng gỗ, 12 vật bằng đồng, 29 vật bằng gốm sứ, 9 vật bằng vải, 12 sắc phong và một quyển Thần tích. Đây là báu vật cần được bảo vệ nghiêm cẩn. Đình Xạ Sơn được công nhận di tích cấp Quốc gia ngày 19/01/2001. 9. Chùa Linh ứng và Cầu đá Hà Tràng, xã Thăng Long Chùa Linh Ứng còn gọi là chùa Hà Tràng, trước đây là chùa lớn của tổng Hà Tràng, chùa được khởi công xây dựng từ thế kỷ XVII, trùng tu, tôn tạo vào cuối thế kỷ XIX. Chùa chính kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm Tiền Đường và Thượng Điện. Khu nhà Tọa Soạn có 5 gian. Chùa Linh Ứng thờ Phật và Trúc Lâm tam tổ, đó là Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang. Chùa Linh Ứng, xã Thăng Long Cầu đá Hà Tràng dài 25,2m, mặt cầu rộng 1,60m, gồm 15 nhịp. Mỗi nhịp được ghép bằng 3 phiến đá dày 20cm. Nối giữa các nhịp với nhau là trụ tròn. Các dầm cầu đều gói 3 trụ đá đều nhau. Đầu trụ có mộng vuông gắn với dầm trên và dầm dưới đáy chống lún sụt. Hiện nay cầu còn 15 dầm nhô ra hai bên cầu khắc đầu rồng hoặc hoa văn chữ triện. Trên mặt cầu ở mỗi nhịp đều khắc hình hoa cúc nổi và 2 chỉ dầm nhô ra ngoài, dài 40cm, dày 30cm, rộng 35cm. Phiến đá dài nhất để lát mặt cầu dài 2,80m, rộng 0,80m. Cầu đá Hà Tràng đến nay đã hơn một trăm năm tuổi nhưng cơ bản vẫn nguyên vẹn. Cầu đá Hà Tràng, xã Thăng Long 10. Đình Ninh Xá, xã Lê Ninh Đình Ninh Xá thờ hai nhân vật lịch sử nổi tiếng là Bố Cái đại vương Phùng Hưng (761 - 802) và Ngô Quyền (897 - 944) là người quê Đường Lâm - Hà Tây, có công lớn trong việc lãnh đạo nhân dân chống ách đô hộ phong kiến phương Bắc; nhà Đường (thế kỷ VIII) và nhà Nam Hán (thế kỷ X) bảo vệ nền độc lập dân tộc. Đình Ninh Xá xưa xây kiểu chữ đinh (J). Trong kháng chiến chống Pháp 3 gian hậu cung bị phá bằng địa, chỉ còn lại 5 gian đại bái. Năm 1994 đình được xây lại hậu cung thành kiến trúc chữ Nhị. Đình Ninh Xá đến nay vẫn giữ được nhiều cổ vật có giá trị như các sắc phong (16 cái còn nguyên bản và 34 cái được chép trong Thần phả của làng). Qua các sắc phong, ta biết được đình Ninh Xá là ngôi đình được xây dựng sớm nhất trong vùng vào đầu thế kỷ 16 và trùng tu tôn tạo muộn nhất là năm 1911. Đình Ninh Xá, xã Lê Ninh Liên quan đến đình Ninh Xá còn có Nghè Vua và Nghè Yến ở đồng làng. Lễ hội đình Ninh Xá vào ngày 15/2 âm lịch. Ngày lễ hội, dân làng rước tượng Ngô Quyền và Phùng Hưng từ nghè Vua và nghè Yến về đình tế. Đình Ninh Xá được công nhận di tích cấp Quốc gia ngày 23/01/1997. 11. Đình Nội Hợp, xã Lê Ninh Đình Nội Hợp thờ vị Thành hoàng là “Cao Sơn thượng đẳng Thần” huý là Phúc, có công phò vua Lý Nhân Tông đánh giặc Chiêm Thành ở thế kỷ 12. Sau khi mất được dân tôn làm Thành Hoàng làng. Hệ thống cổ vật được lưu giữ tại di tích qua các thời kỳ, đặc biệt là 13 tấm bia quý thời Nguyễn. Qua nghiên cứu văn bia chúng ta có thể khai thác các thông tin khoa học lịch sử về kinh tế, chính trị, văn hoá. Hiện nay tại di tích còn lưu giữ 6 đạo sắc vào các năm: Cảnh Hưng 44 (1783), Quang Trung 5 (1792), Vĩnh Thịnh 7 (1711), Tự Đức 10 (1857), Đồng Khánh 2 (1887), Duy Tân 3 (1909). Đình Nội Hợp, xã Lê Ninh Đình Nội Hợp được công nhận di tích cấp Quốc gia ngày 26/01/2006. 12. Đền Thiên Kỳ, xã Hoành SơnĐền Thiên Kỳ thờ ông Nguyễn Đình Húc, một danh tướng thời Lê có công lớn trong kháng chiến chống quân xâm lược Minh. Đền Thiên Kỳ được xây dựng sau khi Nguyễn Đình Húc mất, đền đặt ở sườn núi phía bắc, trong khuôn viên của ngôi chùa cổ thời Trần, tương truyền ông đã từng lấy ngôi chùa này làm đại bản doanh, tập hợp nhân dân khởi nghĩa. Đền Thiên Kỳ, xã Hoành Sơn Đền Thiên Kỳ được công nhận là di tích cấp Quốc gia ngày 29/03/2001. 13. Động Hàm Long, Tâm Long, Đốc Tít, thị trấn Minh TânĐộng Hàm Long được tôn tạo vừa thờ Phật, vừa thờ danh tướng Yết Kiêu đời Trần. Từ đường mòn đi vào, đầu tiên là động Hàm Long. Động có hình hàm ếch, khá rộng, vào sâu có nhiều ngách. Đá và nhũ đá được tạo hóa sinh ra rất nhiều hình thù đẹp. Có chỗ hình con cá chép đang bơi ra cửa động, có chỗ giống chú Voi đứng trầm mặc, có chỗ như con Rùa đang cố sức vươn ra phía ngoài..Cửa động cao hơn 3m, rộng 10m, chiều dài của động tới 80m, có chỗ rộng nhất trong động là 20m. Chỗ cao nhất trong động phía bên phải có độ cao chừng 50m có hình một con cá chép đầu quay ra cửa hang. Vòm động hình chóp nón có nhiều nhũ đá rủ xuống với hình thù con voi, con rùa… Cửa động có 6 tấm bia khắc vào vách đá từ thế kỷ thứ XV đến thế kỷ thứ XVII. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, động này là kho quân giới của bộ đội ta. Động Hàm Long, thị trấn Minh Tân Từ động Hàm Long đi ra, sẽ sang bên trái theo triền núi lên cao là động Tâm Long. Động Tâm Long chỉ mới được phát hiện vào năm 1992. Cửa động rất nhỏ vừa đủ cho một người chui vào nhưng càng vào sâu động càng rộng, động rộng khoảng 200m. Trong động, có rất nhiều nhũ đá hình thù bắt mắt như nữ thần vệ nữ, như gia đình có 3 thế hệ… Hang Đốc Tít, thị trấn Minh Tân Ra khỏi động Tâm Long, đi tiếp chừng trăm mét là hang Đốc Tít. Nguyên là hang Dơi vì đây là nơi sinh sống bao đời của hàng vạn con “dơi quạ” - giống dơi to, người dân ở đây đặt tên như vậy. Giống dơi này ăn thịt rất ngon như thịt chim sẻ. Những năm Nguyễn Thiện Thuật nổi lên chống Pháp thì ở Kinh Môn có ông Đốc Tít cũng dấy binh. Ông lấy hang dơi làm sở chỉ huy, điều quân đánh giặc khắp một vùng rộng lớn sang cả Thủy Nguyên (Hải Phòng), Đông Triều (Quảng Ninh). Hang dơi sau đó được dân trong vùng gọi là hang Đốc Tít. Hang rộng, rất cao (khoảng 40m), diện tích hang khoảng 1800m2, có thể chứa hơn một ngàn người. Trong chống Mỹ, hang này cũng là kho quân khí của bộ đội. Hàng năm, cứ vào ngày lễ hội (15-17 tháng giêng) du khách đổ về chùa Hàm Long lễ Phật và chiêm ngưỡng thắng cảnh kỳ thú của tạo hóa. Động Hàm Long, Tâm Long, Đốc Tít được công nhận di tích cấp Quốc gia ngày 21/6/1993. 14. Hang Chùa Mộ, xã Tân DânHang, chùa Mộ là hệ thống gồm 4 hang lớn trong núi đá vôi: Hang Tắc, hang Luồn, hang Trâu và hang Động Tiên thuộc thôn Thượng Chiểu, xã Tân Dân, huyện Kinh Môn. Phía trước hệ thống hang là Chùa Mộ, có tên chữ là Quang Phục tự. Chùa được khởi dựng từ đời Lê nhưng bị tàn phá trong kháng chiến chống Pháp, duy chỉ còn 3 ngọn tháp gạch. Khu hang chùa Mộ còn là an toàn khu của Ủy ban kháng chiến hành chính các xã Kim Sơn, Hưng Đạo, Xuân Sơn, huyện Đông Triều - Quảng Ninh thời kháng chiến chống Pháp. Đến kháng chiến chống Mỹ, hang chùa Mộ là công xưởng sửa chữa vũ khí của quân khu III. Hang chùa Mộ, xã Tân Dân Khu núi, hang động chùa Mộ có cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp. Đứng ở cửa động trên lưng chứng núi, nhìn về phía Bắc và Tây Bắc, ta gặp 7 ngọn núi: núi Voi, núi Đình, núi Thuyết, núi Mộ, núi Vườn Đồng, núi Chùa và núi Vôi. Hang, chùa Mộ được công nhận là di tích cấp Quốc gia ngày 16/01/1995. 15. Đình, Chùa An Thủy, xã Hiến ThànhĐình An Thủy thờ hai vị Thành hoàng là Phạm Luận (anh cả) và Phạm Tụng (em thứ 5 trong 7 anh em), người có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Minh. Đình, Chùa An Thủy, xã Hiến Thành Chùa An Thủy có tên “An Cảnh Tự” được dựng từ thời Trần thờ phật theo thiền phái Trúc Lâm. Chùa An Thủy ở phía sau đình theo truyền thống kiến trúc “tiền thần hậu Phật” ở Việt Nam. Vì thế trong chùa có thờ Sư tổ Huyền Quang. Đình xây hình chữ đinh (j) gồm 3 gian đại bái và 3 gian hậu cung. Đình được khởi dựng từ thời Lê. Chùa cũng có kiến trúc chữ đinh gồm 5 gian tiền đình, 1 gian hậu cung. Chùa kiến trúc đơn giản theo kiểu kèo cầu nhưng chắc chắn, mái chùa lợp ngói vẩy cá. Hệ thống tượng Phật trong chùa đều bằng gỗ, có niên đại từ thời Nguyễn. Cả đình và chùa An Thủy còn giữ được nhiều cổ vật quý giá như các tượng phật, tượng Thần Hoàng, cửa võng Long đình, bát biểu, mâm triệu, đòn bát cống, bia đá, câu đối, đại tự… nhất là 6 đạo sắc phong từ thời Nguyễn. Cảnh quan đẹp, đất rộng, có thể xây dựng thêm các hạng mục cho đúng với quy trình đình chùa truyền thống. Lễ hội cùng tổ chức vào thời gian nhất định (12-3 âm lịch). Đình, Chùa An Thủy được công nhận di tích cấp Quốc gia ngày 12/02/1994. |